Các hóa thạch này được tìm thấy trong các tảng đá ở miền Tây nước Úc và có hình trụ, trông giống như một sợi dây. Các nhà khoa học cho rằng đây là các vi khuẩn hóa thạch từ những buổi ban đầu của sự sống trên Trái Đất.
Giáo sư William Schopf – một nhà cổ sinh vật học thuộc Đại học California, Los Angeles – tin rằng đây chính là hóa thạch của các vi sinh vật. Ông là trưởng nhóm nghiên cứu phân tích thành phần các-bon trong đá cổ đại để tìm ra tỷ lệ của các đồng vị các-bon khác nhau. Kết luận mà nhóm nghiên cứu đưa ra là tỷ lệ của các đồng vị các-bon hoàn toàn phù hợp với các cấu trúc giống như dạng vi khuẩn trong đá.

Giáo sư John Valley tới từ Đại học Wisconsin – Madison cũng là đồng trưởng nhóm của nghiên cứu này – cho biết: “sự khác biệt về tỷ lệ đồng vị các-bon có tương quan với hình dạng của các hóa thạch”.
Theo ông, “nếu chúng không có đặc tính sinh học thì sự tương quan này cũng sẽ không tồn tại”. Tuy nhiên, công việc phân tích này cũng không hề nhanh chóng. Nhóm nghiên cứu phải mất tới một thập kỷ mới có thể phát minh và làm chủ kỹ thuật phân tích các hóa thạch tí hon này. Họ cũng phải mài mẫu đá ban đầu ra mới thấy được các hóa thạch
Nghiên cứu này đã phát hiện 11 loại vi khuẩn khác nhau trong đá. Một vài trong số đó đã bị tuyệt chủng, nhưng một số khác lại khá tương đồng với các loài hiện vẫn còn tồn tại.
Tuy vậy, người ta cho rằng, sự sống còn bắt đầu trước cả các mẫu vật này.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy đại dương tồn tại trên Trái Đất từ 800 triệu năm trước khi những sinh vật nhỏ bé trong các khối đá này phát triển.
Giáo sư Valley chia sẻ: chúng ta không có bằng chứng trực tiếp về việc sự sống đã tồn tại từ cách đây 4,3 tỷ năm, nhưng cũng không có lý do gì để khẳng định nó không tồn tại. Và đó chính là điều mà tất cả chúng ta đều muốn tìm hiểu.
Giáo sư Schopt đã xác định các mẫu vi khuẩn này lần đầu tiên từ năm 1993.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà khoa học đều cho rằng đó là hóa thạch. Một số cho rằng các vi mẫu đó chi là các kết cấu trong đá.
Theo Express