Bộ chuyển đổi tiếng Việt hay bộ cuyển đổi tiếq Việt đang làm bạn tò mò, muốn chuyển thử tiếng Việt thành tiếq Việt như nào thì hãy thử dùng bộ chuyển đổi tiếng Việt online đưới đây.
Bộ chuyển đổi tiếng việc được bạn Phan An (developer) chia sẻ trên Github
Link truy cập chính thức bạn đọc xem tại đây
Công trình nghiên cứu chuyển đổi Tiếng Việt là PGS.TS Bùi Hiền đề xuất. Tuy nhiên vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển.

PGS-TS Bùi Hiền (Nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy – học phổ thông) cho biết:
“Từ năm 1924, khi toàn quyền Đông Dương ký nghị định cho phép dạy chữ quốc ngữ bắt buộc ở cấp tiểu học, trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư…”.
Những bất hợp lý mà PGS Bùi Hiền đưa ra, đó là hiện tại, chúng ta sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C – Q – K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr – Ch (tra, cha), S – X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…).
“Đó là những hiện tượng không thống nhất, không theo một nguyên tắc chung nào dẫn đến khó khăn cho người đọc, người viết, thậm chí gây hiểu nhầm hoặc không hiểu được chính xác nội dung thông tin. Người học như trẻ em hay người nước ngoài, cũng rất hay mắc lỗi do sự phức tạp này mang lại”
Từ đó, PGS Hiền kiến nghị một phương án làm cơ sở để tiến tới một phương án tối ưu trình nhà nước. Chữ quốc ngữ cải tiến của tác giả Bùi Hiền dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt. Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.
PGS-TS Bùi Hiền cho biết:
“Đề xuất của tôi có nhiều nhà ngôn ngữ họ thấy hợp lý vì chữ viết mới có một nguyên tắc thống nhất. Nhưng cũng có nhiều ý kiến phản bác vì cho rằng nếu cải tiến vậy sẽ phức tạp, có nhiều hệ lụy. Ví dụ kho tư liệu đồ sộ cũ chuyển sang chữ viết mới thì sẽ xử lý như thế nào. Và để thay đổi sẽ phải mất rất nhiều thời gian: thay đổi nhận thức, thay đổi cách học, cách dạy, sách giáo khoa cũng phải thay đổi, các văn bản, sách, báo, rồi lập trình chữ viết trên máy tính… Phải thay đổi từng bước một. Nhưng chỉ cần mất 1-2 năm là quen dần”.
Bù lại, theo PGS Hiền, cải tiến theo cách này sẽ thống nhất được chữ viết cho cả nước, loại bỏ được hầu hết các thiếu sót, bất cập không nhất quán trước đây gây khó khăn cho người dùng (dẫn mắc lỗi chính tả), giản tiện được bộ chữ cái khi từ 38 chữ cái chỉ còn 31, dễ nắm được quy tắc, dễ nhớ. Ngoài ra, còn tiết kiệm được thời gian, công sức, vật tư trong quá trình tạo lập các văn bản trên giấy, trên máy tính.
Sau khi trải nghiệm bộ chuyển đổi tiếng việt, mình thấy hơi khó đọc, và quan trọng nhất là thói quen viết, đọc, ghép vần, gõ phím cũng như kiểu gõ 10 ngón, đánh máy nhanh sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều, bộ gõ tiếng Việt như Unikey hiện tại không hỗ trợ kiểu bỏ dấu cho chữ mới (mấy cái này rất quan trọng với người ôm bàn phím cả ngày như mình), gần như là phải làm lại một cách có hệ thống tất cả những vấn đề liên quan. Vì nó là thói quen đã ăn sâu vào đời sống của người Việt rồi. Nếu tác giả có thể đưa ra được những hướng giải quyết cụ thể, khả thi trong dự án của mình thì đây sẽ là một đề xuất rất đáng để xem xét.
Có thể rằng cách chuyển đổi của PGS.TS Bùi Hiển khiến chúng ta khó đọc, nhưng mình nghĩ chúng ta nên nhìn vào mặt tích cực của dự án mà tác giả đang làm và nỗ lực để hoàn thiện. Nếu có những ý tưởng hay ho, bạn đọc có thể góp ý cho tác giả cũng như nêu ra những bất cập mà các bạn thấy nên thay đổi để phù hợp hơn, biết đâu chúng ta lại có được một bộ chữ vừa đẹp, vừa tiện và tuyệt vời hơn bây giờ?!